Làm giàu chính đáng từ nguồn vốn tín dụng chính sách.
Ngân hàng Chính sách Xã hội, là Ngân hàng duy nhất thực hiện ủy thác vốn tín dụng chính sách đến với tổ chức chính trị - xã hội. Nhờ sự hợp tác chặt chẽ giữa Ngân hàng và các hội, đoàn thể, đặc biệt là thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). 10 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được tiếp cận với người dân kịp thời, thuận tiện và hiệu quả, nhất là đối với hộ hội viên nghèo.
Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH), các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy Long Phú, đã cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, chỉ đạo các ngành, địa phương huy động các nguồn lực cho tín dụng CSXH gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu về an sinh xã hội và giảm nghèo tại địa phương. Nhiều kết quả tích cực và đang khích lệ trong công tác triển khai tín dụng chính sách đã được ghi nhận, góp phần hiệu quả vào công tác xói đói, giảm nghèo; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm; xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. Hoạt động tín dụng CSXH được đưa vào nhiệm vụ thường xuyên, nhiệm vu trọng tâm trong triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm. Đặc biệt, là Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện đã hướng dẫn, phối hợp cùng các xã, thị trấn bố trí kinh phí bổ sung nguồn vốn ủy thác đến với các cơ quan đoàn thể huyện, các xã, thị trấn. Đến nay, 11/11 xã, thị trấn đã có nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách Xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn huyện.
Theo ông Trương Quốc Khánh - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Long Phú, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Long Phú, đã được tăng cường, khơi thông, đến gần hơn với người dân. Tổng dư nợ hiện nay đạt trên 405 tỷ đồng, tăng 226 tỷ đồng so với thời điểm Chỉ thị ban hành, tỷ lệ tăng gấp 1,3 lần. Công tác giải ngân các nguồn vốn đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, kịp thời và phát huy hiệu quả. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, nhiều gia đình đã vượt khó vươn lên, cải thiện cuộc sống gia đình. Huyện Long Phú hiện có 77.616 đoàn viên, hội viên của các hội đoàn thể được tiếp cận với nguồn tín dụng chính sách xã hội. Điển hình như gia đình chị Súc Thị Mỹ Lệ, hội viên Chi hội Phụ nữ ấp Phú Đức, xã Long Phú, trước đây là hộ nghèo, không có đất sản xuất, nên đời sống khá chật vật. Những năm trước, nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay tín dụng CSXH của Ngân hàng CSXH huyện, với lần lượt là 30 triệu đồng, 50 triệu đồng và năm ngoái gia đình chị Lệ vay 100 triệu đồng, để đầu tư sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, chị Lệ đã mạnh dạn chọn mô hình trồng sen, kết hợp nuôi bò, để phát triển kinh tế gia đình. Sau một thời gian nỗ lực, cùng sự hỗ trợ, động viên của Hội Phụ nữ địa phương, chị đã gặt hái được kết quả. Chị Lệ hiện đang sở hữu 04 con bò sinh sản và 03 con bò trưởng thành. Riêng mô hình trồng sen, chị thuê 10 công đất để trồng, chị Lệ chia 10 công đất thành 02 đợt trồng sen kẽ, để sen thu hoạch được quanh năm, và ươm giống sen để tái sản xuất cho vụ tiếp theo. Thời gian cách 03 ngày sen cho thu hoạch một lần, mỗi lần thu hoạch từ 25 – 40 kg ngó sen, thương lái đến tận nhà thu mua với giá từ 22.000 đồng trở lên (tùy theo chất lượng sen), cá biệt, có những lúc cao điểm, ngó sen có giá từ 60.000 – 80.000 đồng/kg và mỗi lần thu hoạch, giúp cho gia đình chị có nguồn thu kha khá quanh năm.
Chị Súc Thị Mỹ Lệ đang rửa ngó sen giao cho khách hàng.
Hay trường hợp của gia đình chị Trần Thị Hiếu, thuộc diện cận nghèo, không có đất sản xuất, hai vợ chồng phải đi làm thuê lo trang trải cuộc sống. Nhờ tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng chính sách và nghị lực quyết tâm vươn lên vượt qua đói nghèo, đến nay gia đình chị đã thuê được 16 công đất ruộng để canh tác. Từ nguồn vốn vay hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, chị đầu tư làm chuồng, nuôi bò sinh sản. Và từ nguồn vốn thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho vợ chồng chị mua bình phun thuốc và bình phun phân bón, giúp cho cuộc sống gia đình chị ổn định từng ngày. Chị Trần Thị Hiếu, ở ấp Trường Thành B, xã Trường Khánh, tâm sự: “Nhờ tiền vay của Nhà nước, gia đình tôi có phương tiện làm ăn, mỗi ngày chồng tôi đem bình đi phun thuốc, bón phân, mỗi ngày cũng kiếm được 2 - 3 trăm, lúc lúa chính vụ sẽ kiếm được nhiều hơn. Từ khi có đồng vốn nuôi bò và bình xịt thuốc là hai vợ chồng cố gắng, làm sao cho gia đình khá giả, con cái được học tới nơi tới chốn”.
Quang cảnh căn nhà gia đình chị Trần Thị Hiếu, khá giả nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách xã hội.
Kết quả, từ năm 2014 đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân hơn 880 tỷ đồng đến đoàn viên, hội viên nghèo và các đối tượng chính sách khác, với gần 36.000 lượt đoàn viên, hội viên vay, góp phần giúp 4.550 hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho 2.903 lao động; giúp cho 19 lao động đi lao động nước ngoài; hơn 1.300 học sinh, sinh viên trang trải chi phí học tập; xây dựng, sửa chữa 12.169 công trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng 435 căn nhà cho hộ nghèo; 340 lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn để phát triển sản xuất; cho vay tạo việc làm cho 6 người chấp hành xong án phạt tù, …. Ông Huỳnh Đức, Chủ tịch UBND huyện Long Phú, chỉ đạo, trong thời gian tới các cấp, các ngành trong huyện cần tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40 – CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tính dụng CSXH, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận và vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng, thoát nghèo bền vững. Triển khai có hiệu quả chủ trương, huy động các nguồn lực cho tín dụng CSXH gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay. Lãnh đạo các địa phương tiếp tục ưu tiên cân đối nguồn vốn để thực hiện các chương trình, dự án tín dụng CSXH, hàng năm cân đối nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn ủy thác cho vay đối các đối tượng CSXH trên địa bàn huyện.
Qua 10 năm thực hiện, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã có sự quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền, xây dựng và ban hành kế hoạch, chương trình hành động triển khai cũng như chú trọng tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện. Từ nguồn vốn chính sách ưu đãi này, đã có hàng trăm, hàng ngàn mô hình bắt đầu khởi nghiệp và mang lại hiệu quả thiết thực cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận, có cơ hội xây dựng mô hình và phát triển kinh tế hộ, từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình. Có thể khẳng định, Chỉ thị số 40 – CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư, là chính sách tín dụng xã hội nhân văn dành cho người nghèo thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.
Bài và ảnh: Sóc Ca.