Xã Châu Khánh xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao thu nhập, đời sống người dân
Đích đến cuối cùng của Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) là nâng cao thu nhập, đời sống người dân. Với mục tiêu, ý nghĩa này, thời gian qua, xã Châu Khánh, huyện Long Phú, tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân với những kết quả tích cực.
Tính đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân trên địa bàn xã Châu Khánh, hơn 56 triệu đồng/người/năm. Xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Là một trong những xã đang trong giai đoạn tăng tốc về đích xã đạt chuẩn NTM nâng cao của huyện. Để góp phần hoàn thành mục tiêu này, những người nông dân từ già đến trẻ đã đóng góp kinh nghiệm, trách nhiệm nêu gương trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, an ninh trật tự xã hội. Châu Khánh là xã thuần nông của huyện Long Phú, với thế mạnh về canh tác lúa, rau màu, cây ăn trái. Để nâng cao giá trị các mặt hàng chủ lực, địa phương xác định tổ chức, sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao giá trị nông sản là yếu tố cần thiết. Chính vì vậy, thời gian qua, xã Châu Khánh, đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phát triển các ngành hàng chủ lực, tạo bước phát triển mới đối với các ngành hàng này.
Đối với sản xuất lúa, xã thực hiện có hiệu quả việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng tăng diện tích lúa chất lượng cao, theo hướng hữu cơ, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường. Hiện diện tích canh tác lúa của xã trên 900ha, đa số là giống lúa chất lượng cao. Đồng chí Huỳnh Phước Lợi, Chủ tịch UBND xã Châu Khánh, cho biết: “Thời gian qua, xã đã huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển kinh tế nông thôn từ các chương trình, dự án của Nhà nước và sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài tỉnh để thực hiện phát triển ngành nghề nông nghiệp, dịch vụ nông nghiệp và tiểu thủ nông nghiệp. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học – công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm để người dân sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; xã phát triển các vùng trồng nguyên liệu tập trung phục vụ cho việc liên kết với các công ty, doanh nghiệp theo chuỗi giá trị thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn xã. Nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả, mang lại lợi nhuận kinh tế cao cho người dân tham gia thực hiện, lợi nhuận trung bình từ 60 – 100 triệu đồng/năm. Trong đó, có mô hình đưa màu xuống chân ruộng, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, trồng bưởi da xanh, chanh không hạt, …”.
Nông dân ấp Tư, xã Châu Khánh sản xuất lúa chất lượng cao và đưa màu xuống chân ruộng.
Đối với vùng sản xuất rau màu, có diện tích trên 112 ha, xã thành lập được 04 hợp tác xã (HTX) hoạt động hiệu quả, địa phương vận động các thành viên của HTX, và nông dân chú trọng mở rộng canh tác những cây trồng có giá trị kinh tế cao; đồng thời áp dụng các biện pháp luân canh, xen canh, trồng trái vụ các loại rau màu. Hiện diện tích luân canh, tăng vụ từ 4 – 5 lần/năm, với các cây trồng chính là, dưa hấu, bắp, bầu, bí, dưa leo, khổ qua, ớt và các loại rau, … Nhờ đó, hiệu quả trên một đơn vị diện tích gieo trồng tăng, nhiều hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ việc luân canh có hiệu quả các loại rau màu. Bên cạnh lúa, rau màu, xã Châu Khánh còn khuyến khích nông dân chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang trồng những loại cây có hiệu quả cao, cải thiện thu nhập trên một diện tích đất. Điển hình như gia đình ông Trần Văn Bá, ở ấp Tư, xã Châu Khánh, do diện tích đất sản xuất ít, ông Bá lựa chọn các loại rau màu phù hợp để phát triển kinh tế. Sau khi tìm hiểu về các giống hoa màu trồng dưới chân ruộng đem lại hiệu quả kinh tế cao ở một số địa phương, ông Bá đã mạnh dạn chuyển hơn 2.000m2 đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dưa leo (4 vụ/năm). Nhờ giá cả ổn định, ông thu về khoảng 25 triệu đồng/vụ (chưa trừ chi phí). Ông Bá tính toán: “Trên cùng diện tích đất, nếu sản xuất 2 vụ lúa/năm, lợi nhuận sau khi trừ chi phí thì không còn lời bao nhiêu, coi như lấy công làm lời. Nhưng khi chuyển sang trồng các loại hoa màu thì lợi nhuận cao hơn hẳn. Nếu chăm sóc tốt, đạt năng suất và bán được giá, có thể thu về cả trăm triệu đồng/năm”. Chỉ có 1.000m2 đất canh tác lúa, ông Nguyễn Văn Tâm, ở ấp Nhất, xã Châu Khánh, tuy làm việc cật lực nhưng thu nhập bấp bênh. Vài năm trở lại đây, ông chuyển sang trồng cây màu thay cho cây lúa, dần cho thu nhập ổn định, giúp gia đình có cuộc sống tốt hơn. Cùng ngụ ấp Nhất, ông Tô Văn Liêm cũng là một trong những nông dân tiên phong trong mô hình đưa hoa màu xuống chân ruộng. Được biết, ban đầu ông trồng thử nghiệm cây ớt, dưa leo, với diện tích 4.000m2, sau khi đạt hiệu quả ông đã nâng diện tích trồng cây màu lên 1ha. Với mô hình này đã giúp gia đình ông thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.
Nông thôn đổi thay từ Chương trình xây dựng NTM
Xác định phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những mục tiêu quan trọng của Chương trình xây dựng NTM, thời gian qua, xã Châu Khánh tập trung thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Thông qua các giải pháp cụ thể, đời sống của người dân trên địa bàn xã Châu Khánh có sự thay đổi tích cực. Năm 2023 thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 56 triệu đồng. Từ đó, tạo được lòng tin, sự đồng lòng của Nhân dân trong xây dựng NTM, nhất là chung tay, góp sức cùng địa phương thực hiện các công trình phúc lợi xã hội, cầu đường nông thôn. Là một người con của quê hương Châu Khánh, chứng kiến sự đổi thay từng ngày của quê hương, đặc biệt, khi Châu Khánh hoàn thành mục tiêu xã NTM, ông Võ Ngọc Phong, ở ấp Nhì, xã Châu Khánh, rất phấn khởi, tự hào, với những tín hiệu tích cực khi quê hương ngày càng phát triển, bản thân ông cùng chính quyền, bà con sẽ tiếp tục chung tay, góp sức giữ vững và nâng cao các tiểu chí, tiến tới đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.
Ông Thái Văn Thiện, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Khánh, xã Châu Khánh cho hay: “Cùng với chủ trương của xã, những năm qua, HTX đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác chuyển giao khoa học cho thành viên cũng như công tác xây dựng mã số vùng trồng cho nông sản. Với 148 thành viên, canh tác trên 302 ha lúa và cây ăn trái. Thời gian tới, HTX sẽ liên kết sản xuất, tạo đầu ra ổn định cho nông sản địa phương, chung tay cùng với xã thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng NTM”.
Từ sự thay đổi rõ rệt của quê hương, qua Chương trình xây dựng NTM, cùng tinh thần đồng lòng của người dân, nhất là các thành viên hợp tác xã, người nông dân, sự quyết tâm của chính quyền địa phương sẽ là điều kiện quan trọng để xã Châu Khánh phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM nâng cao, hướng đến kiểu mẫu trong thời gian tới.
Bài và ảnh: Sóc Ca.