Hiện nay, diện tích sản xuất lúa đặc sản và tỷ lệ nông dân sử dụng giống xác nhận được nâng lên, diện tích cây ăn trái đặc sản ngày càng mở rộng, khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất được ứng dụng mạnh mẽ, có hơn 40ha lúa, và gần 12ha diện tích rau màu được chứng nhận VietGAP. Trong lĩnh vực chăn nuôi, bà con nông dân đã phát triển được một số trang trại chăn nuôi heo, gà theo hướng công nghiệp, đem lại hiệu quả và nâng cao thu nhập cho người dân. Đến thời điểm hiện tại, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 01 ha đất trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đạt 150 triệu đồng, tăng 30,43% so với năm 2015. Hệ thống thủy lợi được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh; các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp tiếp tục được củng cố, phát triển. Đến nay, toàn huyện có 22 hợp tác xã nông nghiệp, 47 tổ hợp tác, với 2.217 thành viên tham gia, có diện tích canh tác trên 3.463ha. Các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với hợp tác xã theo chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp từng bước được hình thành. Đối với cây lúa bà con nông dân liên kết với Tập đoàn Lộc Trời; Công ty ADC, Công ty Cổ phần Gạo Ông Thọ; đối với cây bưởi, bà con liên kết với Công ty VinaGeenCo … Từ đầu năm đến nay, huyện Long Phú có thêm 06 sản phẩm được UBND tỉnh Sóc Trăng phê duyệt sản phẩm OCOP, nâng tổng số hiện có 09 sản phẩm, trong đó, có 01 sản phẩm đạt chuẩn 04 sao (bưởi da xanh hợp tác xã Trường Phát) xã Phú Hữu; 08 sản phẩm đạt chuẩn 03 sao gồm: Mật ong organic; Mật ong Miền tây; Mật sap; Dưa bồn bồn; bồn bồn chua ngọt; Chuối sây Xuân Diệu; Xa bấu Hòa Phát; Tương hột … Ngoài ra, ngành Nông nghiệp đang phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn các chủ thể từng bước chuẩn hóa một số sản phẩm tiềm năng như: Nấm Linh Chi; Sừng Hưu (thị trấn Đại Ngãi); Đông trùng Hạ Thảo, Mắm Cá Cơm (xã Song Phụng); bánh tráng Lệ Thủy (xã Long Phú) và Hột vịt muối (xã Long Đức) thành sản phẩm OCOP.
Chú thích ảnh: Đưa màu xuống chân ruộng vụ Xuân hè.
Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả tích cực, ý thức của người dân được nâng lên và tự nguyện tham gia với vai trò chủ thể. Đến nay, huyện có 5/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 16 tiêu chí trở lên. Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Long Phú chia sẻ: Tuy đạt được những kết quả đáng phấn khởi, song sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện vẫn còn quy mô nhỏ lẻ, chưa tạo ra được những sản phẩm hàng hóa đặc trưng, mũi nhọn. … Ông Lâm Văn Vũ định hướng: Thời gian tới, huyện Long Phú tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, các cấp ủy đảng, chính quyền về nội dung Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, tạo đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, trong đó, tập trung vào các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu và đáp ứng yêu cầu thị trường. Trong lĩnh vực trồng trọt, phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của huyện. Cơ cấu lại mùa vụ, chỉ sản xuất hai vụ lúa/năm; sử dụng các loại giống chất lượng cao, chịu mặn; phát triển mạnh diện tích lúa đặc sản, lúa thơm; nhân rộng mô hình có hiệu quả đối với các loại rau màu theo hướng an toàn sinh học, đưa cây màu xuống chân ruộng vụ Xuân hè; xây dựng vùng cây ăn trái tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc để xuất khẩu. Trong lĩnh vực chăn nuôi, tập trung phát triển đàn gia xúc, gia cầm theo hướng an toàn, với các vật nuôi có lợi thế như bò, heo, dê, gà, chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, sang phát triển chăn nuôi tập trung theo mô hình trang trại, khuyến khích tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng, tiếp tục phát triển các đối tượng thủy sản chủ lực của huyện như tôm thẻ, cá tra trong vùng quy hoạch ven Sông Hậu, khuyến khích người dân nuôi sử dụng các chế phẩm sinh học tạo ra sản phẩm sạch, từng bước ứng dụng quy trình nuôi thủy sản sạch vào sản xuất.
Hiện nay, các ngành chức năng đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân ứng dụng mạnh mẽ thành quả cuộc cách mạng công nghệ 4.0, công nghệ cao vào sản xuất, tăng cường công tác tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, áp dụng cơ giới hóa, quy trình sản xuất hiệu quả như, mô hình 3 giảm, 3 tăng, 1 phải, 5 giảm, mô hình tưới nước tiết kiệm ứng phó với khô hạn, để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, lồng ghép các nguồn lực đầu tư theo hướng xã hội hóa để xây dựng kết cấu hạ tầng theo Bộ tiêu chí quốc gia và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực xây dựng nông thôn mới với vai trò chủ thể; thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” ưu tiên thực hiện tiêu chí về thu nhập. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước về khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác; tăng cường hoạt động kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, chỉ dẫn địa lý, rà soát các sản phẩm đặc trưng, chủ lực trên địa bàn huyện để tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; tổ chức giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP.
Hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, để đáp ứng yêu cầu tưới tiêu phục vụ sản xuất và dân sinh. Thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ”, và “ba sẵn sàng”, tích cực tuyên truyền để người dân nhận thức sự tác hại của thiên tai, chủ động phòng tránh, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, nhất là khu vực xung yếu, hạn chế những thiệt hại do thiên tai gây ra đến mức thấp nhất.
Bài và ảnh: Sóc Ca.