Lượt xem: 1511
Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về những người hoạt động không chuyên trách cấp xã

       Những người hoạt động không chuyên trách cấp xã là những người được bầu, tuyển dụng để làm việc tại các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể cấp xã, là một bộ phận quan trọng, có vai trò quan trọng, làm cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Họ là những người trực tiếp tuyên truyền, phổ biến, vận động và tổ chức Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm sự phát triển kinh tế, xã hội, duy trì an ninh trật tự ở địa phương, đồng thời là nguồn bổ sung cho cán bộ, công chức cấp xã, tạo sự kế thừa trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã hiện nay.
       Thực hiện quy định của Chính phủ [1], Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về chức danh, số lượng, chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Theo quy định, các xã, phường, thị trấn loại 1 được bố trí tối đa 14 người và xã, phường, thị trấn loại 2 được bố trí tối đa 12 người. Trên cơ sở đó, huyện Long Phú có 119 người hoạt động không chuyên trách làm việc tại các xã, thị trấn (cơ quan Đảng: 33 người, chính quyền: 03 người, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể: 83 người), 100% người hoạt động không chuyên trách cấp xã đều có trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên (đại học: 76 người, cao đẳng: 15 người, trung cấp: 28 người).
Hiện nay, Chính phủ giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quy định chức danh, bố trí số lượng và quy định mức phụ cấp của từng chức danh, mức phụ cấp kiêm nhiệm chức danh đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã[2], điều này đã tạo điều kiện thuận lợi, chủ động, linh hoạt cho các tỉnh, thành phố (gọi chung là cấp tỉnh). Tuy nhiên, điều này tạo nên tình trạng không thống nhất tên gọi của các chức danh ở các tỉnh, cụ thể: Có tỉnh quy định chức danh Văn phòng Đảng ủy là người hoạt động không chuyên trách, có tỉnh quy định chức danh Văn phòng Đảng ủy giao cho công chức Văn phòng - Thống kê tham mưu hoặc đối với chức danh phụ trách Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy, có nơi gọi là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy…; Chính phủ chưa có quy định và cũng không giao cụ thể cho tỉnh quy định về việc tuyển chọn, quản lý, sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
       Theo quy định, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã trên địa bàn huyện được hưởng mức phụ cấp hàng tháng là 1,0 nhân với mức lương cơ sở và được hưởng trợ cấp theo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ[3], được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định. Như vậy, tính bình quân thu nhập hàng tháng của 01 người hoạt động không chuyên trách trên địa bàn huyện là gần 2 triệu đồng/tháng.
      Theo Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 18/03/2002 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn“Cán bộ không chuyên trách là những người chỉ tham gia việc công trong một phần thời gian lao động”. Tuy nhiên, để hoàn thành khối lượng công việc như hiện nay, gần như 100% người hoạt động không chuyên trách phải dành toàn thời gian cho công việc, vẫn thực hiện 8 giờ/ngày như cán bộ, công chức (ngoài ra, khi có yêu cầu công việc, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã phải làm ngoài giờ, kể cả ngày nghỉ).

Những người hoạt động không chuyên trách tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19

      Bên cạnh đó, người hoạt động không chuyên trách cấp xã không được nâng mức phụ cấp theo thâm niên công tác, không được hưởng các khoản phụ cấp như:

        Phụ cấp chức vụ, phụ cấp công vụ…; chế độ bảo hiểm xã hội cho những người hoạt động không chuyên trách cấp xã có phần khác biệt so với các đối tượng khác, chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, không thuộc đối tượng được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp[4], nên phần nào ảnh hưởng đến thu nhập, tâm lý của những người hoạt động không chuyên trách, chưa thực sự trở thành động lực để họ yên tâm công tác, chưa thu hút được những người có trình độ, năng lực tham gia vào công việc của những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, điều đó một phần đã chứng minh vì sao chất lượng những người hoạt động không chuyên trách cấp xã chậm nâng lên.

      Để nâng cao chất lượng, hiệu quả đối với hoạt động của những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, khắc phục khoảng trống trong quản lý người hoạt động không chuyên trách nêu trên, giúp các cơ quan, đơn vị nâng cao hơn nữa chất lượng và thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, tác giả có một số đề xuất, kiến nghị sau:
       Một là, ban hành quy định về tiêu chuẩn của những người hoạt động không chuyên trách cấp xã để làm cơ sở tuyển dụng, sử dụng và thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ này; cần quy định thống nhất về các chức danh của người hoạt động không chuyên trách cấp xã, tránh tình trạng mỗi tỉnh có tên gọi khác nhau.
      Hai là, ban hành quy chế tuyển dụng người hoạt động không chuyên trách cấp xã, riêng đối với các chức danh được tuyển chọn thông qua bầu cử cần quy định cụ thể quy trình nhân sự theo quy định của Đảng và Điều lệ của các đoàn thể để địa phương làm cơ sở tổ chức tuyển dụng, lựa chọn được những người có đủ trình độ, phẩm chất, năng lực, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.
      Ba là, ban hành quy định cụ thể về chế độ làm việc của những người hoạt động không chuyên trách cấp xã đúng theo quan điểm chỉ đạo và phù hợp với tính chất lao động và mức phụ cấp được hưởng.
      Bốn là, hoàn thiện các quy định về chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, cần có quy định nâng mức phụ cấp đối với những người hoạt động không chuyên trách có thâm niên công tác, cho người hoạt động không chuyên trách cấp xã được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội như các đối tượng khác để những người hoạt động không chuyên trách cấp xã yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với địa phương, tạo nguồn cho cán bộ, công chức cấp xã.
      Năm là, quy định nguyên tắc, tiêu chí, thẩm quyền, trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại chất lượng hàng năm đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã như cán bộ, công chức cấp xã.
      Sáu là, ban hành quy định về xử lý kỷ luật đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, để địa phương có cơ sở xem xét, xử lý kỷ luật đối với những người hoạt động không chuyên trách có hành vi vi phạm.
      [1] Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ).
      [2] Chính phủ chỉ quy định thống nhất đối với 03 chức danh không chuyên trách ở ấp (thôn), gồm: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận
      [3] Theo quy định tại Nghị quyết số 04/2020/NQ-HĐND ngày 08/5/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh, những người hoạt động không chuyên trách cấp xã có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với chức danh thì được hưởng trợ cấp thêm, cụ thể: Người có trình độ đại học được hỗ trợ thêm 1,34, có trình độ cao đẳng được hỗ trợ thêm 1,10, có trình độ trung cấp được hỗ trợ thêm 0,86.
     [4] Quy định tại Điều 24, Điều 30, Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội ngày 20/11/2014.

Nguồn: https://cchc.soctrang.gov.vn/

 
TIN KHÁC

















Thống kê truy cập
  • Đang online: 39
  • Hôm nay: 356
  • Trong tuần: 3 230
  • Tất cả: 1691335
Bình Chọn
Khả năng đáp ứng thông tin của Website
  • Bình chọn Xem kết quả
    Cơ quan chủ quản: UBND HUYỆN LONG PHÚ - TỈNH SÓC TRĂNG                               
                    Địa Chỉ: Ấp 4 Thị trấn Long Phú, Huyện Long Phú, Tỉnh Sóc Trăn
                       Điện Thoại: 02993.857.430  Fax: 02993.857.430 . Email: vanphong.huyenlp@soctrang.gov.vn




    Người chịu trách nhiệm nội dung:.........................................................   
      Ghi Rõ Nguồn "UBND HUYỆN LONG PHÚ" Khi Phát Hành Lại Thông Tin Từ Website Này.